Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Sùng kính nỗi nhớ thương

Bởi “ở bất kỳ thời đại nào sự say mê đều diễn tả cá tính của con người luôn tìm đến sự mới – khác – lạ và cuộc triển lãm lần này muốn nói lên điều đó giữa Việt Nam Star Mercedes-Benz và các họa sĩ đương thời”.

Đọc E-paper

Nét đặc biệt của triển lãm này chính là sự hội ngộ của ba họa sĩ với ba phong cách tạo hình biệt lập nhưng các tác phẩm khổ lớn và rất lớn của họ lại kết nối chặt chịa với nhau trong không gian trưng bày sang của showroom Mercedes-Benz (số 811-813 Nguyễn Văn Linh, Q.7, TP. Hồ Chí Minh, mở màn ngày 19/7/2013). Họa sĩ – nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Quân đã viết đề từ cho triển lãm “ham mê”.

Thu muộn(Phan Vũ – sơn dầu)
Em ơi Hà Nội phố(Phan Vũ – sơn dầu)
Cao nguyên(Phan Vũ – sơn dầu)
Màu gần như nguyên không pha trộn, nét uốn lượn hay gãy khúc, lặp lại và vặn xoắn, buông trùng hay giăng nối…, đều như chỉ “đi” một lần, một hơi. Không có bản nháp hay phác thảo cho nỗi nhớ như là cái leitmotiv (chủ đề đặc trưng) trong các bức tranh sặc sỡ và bạo dạn của “đại lão” họa – nhà thơ Phan Vũ.Hà Nội tuy có hồ Gươm và những thứ khác nhưng không còn là một địa chỉ, một điểm đến trên bản đồ du lịch tình cảm và tâm linh.

Với Phan Vũ, Hà Nội đã trở thành một biểu tượng để tôn thờ tình người. Kinh nghiệm hiện sinh càng chồng chất, càng điên đảo thì người ta càng nhận ra rằng chỉ độc nhất nó là cái đáng quý dọc hành trình sống của mỗi cá nhân chủ nghĩa. Nhờ buộc ràng tín điều ấy mà bút pháp hội họa được tự do thay đổi bất kỳ.

Ca trù(Bùi Ngọc Tư – sơn mài)
Một mình(Bùi Ngọc Tư – sơn mài)
Khúc thiên thai(Bùi Ngọc Tư – sơn mài)
Khoảng trống trước mặt(Bùi Ngọc Tư – sơn dầu)
Những bức sơn mài khá lộng lẫy và hoành tráng của Bùi Ngọc Tư vẫn tiếp biến cách tạo hình “dân gian” nhưng gắn bó với những di sản kinh điển “phi vật thể” của người Kinh xứ Bắc bộ.

Nét mảnh dẻ trải dài uốn éo, nhấn nhá mời gọi những khoang màu nhãi con như lo sợ cái vàng son ấy sẽ bất thần tắt lịm trong hư vô: những vần song thất lục bát khoan nhặt, thánh thót kể về những gì lung linh nhất trong niềm nhớ thương của kẻ xa quê.

Ai cũng có một vùng địa lý là quê cũ. Song thiết thân hơn có lẽ là một cố hương của tâm hồn. Vì sao cứ thương nhớ thì vui mấy cũng thành buồn! Kiều hay ca trù, quan họ… luôn “… gây mùi nhớ, …khan giọng tình”.

Chiều đỏ(Cường Tuse – sơn mài)
Cường Tuse trẻ hơn nhiều mà cũng sầu thảm hơn. Nỗi nhớ thương của anh không nằm trong dĩ vãng mà là hiện nay và ngay đây: bên bờ tường lở lói, trên cầu thang ọp ẹp, ở cái mũ sờn hay cái ổ khóa hoen gỉ, ở một viên gạch và một gốc cây…, cận cảnh và đồ sộ.

Mọi đồ vật cụ thể đều vô danh và mất gốc, không thuộc về chỗ nào và thời nào cả! Trong cái nắng, sáng và tối nhễ nhại kia mọi thứ kể cả không khí – thứ độc nhất vô nhị “còn đang sống” – đều trễ tràng. Chúng cam chịu sự hủy hoại và quên lãng của thời kì một cách đắng cay.

Một nhà nước dân tộc không ngừng nghỉ mở mang đất – biển – trời, liên tiếp mấy trăm năm, liên tiếp mỗi đời người bao tao loạn, biến thiên, di dịch nên sự sùng kính nỗi nhớ niềm thương phải chăng đã trở thành một thứ đạo đức, một cơ chế tự vệ từ trong tiềm thức?

Họa sĩ Phan Vũ

- Sinh năm 1926 tại Hải Phòng.
- Vẽ tranh, làm thơ, viết kịch, đạo diễn điện ảnh.
- Tự học vẽ từ năm 1995. Đã triển lãm nhiều lần trong và ngoài nước.
“Tôi muốn kéo những bức tranh đến gần những bài thơ của tôi. Một cái gì như chút bi tráng tự sự với những sắc màu nhãi ranh, đối nghịch, nhưng lại có độ trầm tạo thành nỗi buôn dịu êm” (Phan Vũ)

Họa sĩ Bùi Ngọc Tư
- Sinh năm 1936 tại Nam Định.
- Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Namkhóa 1969-1973.
- Giải thưởng của Quỹ Phát triển văn hóa Việt Nam Thụy Điển (1990).
- Có tác phẩm trưng bày ở nhiều nước và trong nhiều bộ sưu tập trên thế giới.

Họa sĩ Cường Tuse

- Sinh năm 1962 tại Hải Phòng.
- Tốt nghiệp trung cấp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội.
- Đã có nhiều triển lãm trong nước.
“Cuộc sống có khi chỉ ẩn mình trên những đồ vật, những vạt tường, góc nhà…, thậm chí chỉ là những vệt sáng le lói đang ẩn hiện đâu đó, như thân phận con người đang tồn tại và tôi đi tìm để vẽ nó…” (Cường Tuse)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét